Chùa Tiên Châu đã được
Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (quyết
định số: 3211-QĐ/BT, ngày 12/12/1994), loại hình kiến trúc nghệ thuật.
- Chùa Tiên Châu tọa lạc tại: Ấp Bình
Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
- Tên thường gọi: chùa Di Đà, chùa Tiên Châu, chùa Tô Châu
- Tên chữ: Tiên Châu Cổ Tự
* Những giai thoại, huyền sử
về di tích:
Theo lời thuật của ban hội tự chùa Tiên Châu, chùa Tiên Châu lúc sơ khai là
một cái am vách lá đơn sơ, lúc bấy giờ có bà Hồ Ngươn Thu (ni sư Diệu Thiện
(1840 - 1923) người làng An Thành đã bỏ tiền của ra mua gỗ, vật liệu để sửa
chữa từ cái am thành chùa mới khang trang.
Chùa Tiên Châu lúc sơ khai có tên là chùa Di Đà, nơi tọa lạc trước kia gọi là
cù lao Dưa, nay là cù lao An Thành, cư dân hai làng Bình Lương và An Thành cư
ngụ. Khi xưa cù lao còn là một vùng thanh vắng, đất rộng người thưa, cảnh vật
u nhàn. Một đêm trăng sáng, có người dân trong làng nhìn thấy một cảnh huyền
ảo: ngoài bãi bồi một đoàn thiếu nữ kiều diễm thướt tha gieo mình xuống tắm,
ánh trăng vàng long lanh mặt nước. Người nông dân rón rén tiến lại gần, phút
chốc đoàn giai nhân thoát biến đâu mất cả. Từ đó tin đồn của người dân ấy lan
ra trong vùng. Mọi người đổ xô đi xem, nhưng không thấy tiên, bởi chỉ những
đêm trăng sáng, những nàng tiên mới xuất hiện, nhưng xuất hiện thoạt ẩn thoạt
hiện, lại thêm có ngư ông đưa tin đã nhận thấy có nhiều dấu chân lạ trên bãi
bồi, do đó dân chúng trên cù lao Dưa tin chắc có sự huyền bí “tiên nữ giáng
trần”. Do đó, bãi sông này được đặt tên là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi
Bích Trân. Chùa Di Đà được người dân ở đây gọi là Tiên Châu hoặc Tô Châu vì
lấy theo thắng tích “tiên nữ giáng trần”. Vùng đất này lại có nhiều rạch lớn,
rạch nhỏ, ghe thuyền có thể đi tắt qua lại nên còn tên là bãi Bát Tân (có
nghĩa là đi bốn phương tám hướng). Chùa Di Đà ở tại thắng cảnh đẹp như xứ lụa
Tô Châu nên còn có tên là chùa Tô Châu.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Đức có bài thơ vịnh chùa được hầu hết các khách văn chương
tán thưởng:
“Tiên Châu giăng nước Vĩnh Long thành
Đây rộn rực nhiều đó vắng tanh
Khuất nước cỏ cây nhà trắng trắng
Chia hai trời nước liễu xanh xanh
Cảnh người trời nước ba thằng mục
Chùa Phật hôm mai một tiếng kình
Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng
Bốn mùa phong cảnh chẳng ai tranh”
2. Sự kiện lịch sử:
Căn cứ vào linh vị trên bàn thờ tổ thì chùa Tiên Châu có từ thời hòa
thượng Giác Nguyên. Hòa thượng Giác Nguyên là đệ tử kế thừa của Thiền sư Liễu
Quán, xét về niên kỷ vai vế, Hòa thượng Giác Nguyên trong môn phái Liễu Quán
thì chúng ta có thể khẳng định hoà thượng Giác Nguyên sinh vào đầu thế
kỷ XVIII và đến vùng đất Long Hồ vào thập niên 1740 – 1750, như vậy chùa Tiên
Châu có cách đây khoảng 250 năm. Từ cái am hình thức đơn sơ qua nhiều lần tôn
tạo chùa mới khang trang đến ngày hôm nay.
Hòa thượng Giác Nguyên trụ trì chùa Tiên
Châu từ năm 1750 – 1801 được 51 năm thì Hòa thượng viên tịch, cho đến nay có
16 lần truyền thừa lần lượt kẻ truyền người nối thay nhau lo Phật sự.
Ngoài
ra, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, chùa Tiên Châu là nơi thường
xuyên lui tới của cán bộ cách mạng.
Theo
lời kể của ông Tô Văn Trí:
Chùa
Tiên Châu nằm đối diện với dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long, cách con sông Cổ
Chiên, xung quanh cây cối cây cối rậm rạp rất thuận tiện cho cán bộ hoạt
động.
-
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp: là nơi thường xuyên lui tới của cán
bộ Việt Minh, trong đó có ông Nguyễn Văn Nuôi (Hai Nuôi, bí danh là Danh) là
xã đội trưởng xã An Bình. Một lần, lính dân vệ xã An Bình ruồng bố, bao vây
chùa Tiên Châu, lúc này ông Nguyễn Văn Nuôi đang ở trong chùa. Ông Nuôi đã
vào phía sau tượng Phật Di Lạc trú ẩn. Bọn địch không phát hiện được, ông
Nuôi được an toàn.
-
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ: Thời gian này, ông Tô Văn Trí là Bí thư
xã An Bình. Từ năm 1956 đến tháng 10/1968, ông Trí cùng hai du kích là Ba Cầm
và Nguyễn Văn Be thường xuyên bám trụ ở chùa. Ngoài ra, còn có bà Hai Thanh,
bà Huỳnh Kim Phụng (Tám Phụng) trong công tác thường xuyên đến chùa. Cán bộ
Huyện ủy huyện Châu Thành sử dụng chùa làm địa điểm họp bàn kế hoạch tấn công
địch, trừ gian diệt tà, vận động nhân dân đóng đảm phụ…
Sau
cuộc tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968), địch cho đóng đồn trước cổng
chùa (tại địa điểm nay là trường tiểu học An Bình B). Vì vậy cán bộ cách mạng
không còn lui tới chùa cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.
- Giá
trị lịch sử:
Di tích có từ năm 1740 –
1750 là am nhỏ qua nhiều lần trùng tu sửa chữa có vóc dáng như ngày hôm nay,
nhưng vẫn là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Vĩnh Long. Cảnh đẹp thiên nhiên được kết
hợp hài hòa, hai cội bồ đề tả và hữu di tích cành lá sum suê, cây cảnh được
sắp xếp khéo léo. Mặt chánh điện trông ra sông Cổ Chiên. Chùa Tiên châu được xây dựng trên vùng đất có không khí tĩnh
mịch, cây cối tốt tươi. Vùng đất này lại có nhiều rạch lớn, rạch nhỏ, ghe
thuyền có thể đi tắt qua lại nên còn tên là bãi Bát Trân. Bên cạnh đó, với sự
tích “Tiên nữ giáng trần”, vùng đất này còn được gọi là Bãi Tiên (Tiên Châu).
Từ khi xây dựng chùa có tên là chùa Di Đà, sau đó được gọi theo tên của vùng
đất nên đổi thành chùa Tiên Châu và phong cảnh vùng đất đẹp như xứ lụa Tô
Châu nên còn có tên là chùa Tô Châu.
-Về giá trị văn hóa, nghệ thuật:
Chùa
Tiên Châu xây dựng theo kiểu xếp đọi, có bốn gian: tiền điện, chánh điện,
trung điện, hậu tổ. Mái lợp ngói âm dương (đại tiểu). Đầu đao có có phù điêu hoa
sen. Mái chùa không cong nhưng hình dáng cong của cụm hoa sen tạo nên hiệu
quả tạo cảm giác về độ cong của mái chùa. Cột, kèo, xuyên, trính bằng danh
mộc. Trính lục lăng, kèo vỏ đậu. Đầu kèo chạm hình rồng cách điệu dây lá.
Điểm đặc biệt kiến trúc
của chùa Tiên Châu là tiền điện. Mặt chính diện của chùa được xây dựng theo
kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Trên lầu có ba ngôi tháp. Đây là điểm khác biệt
của chùa Tiên Châu với những ngôi chùa khác trong tỉnh.
Chùa Tiên Châu tuy không
có nhiều bao lam, hoành phi, câu đối nhưng những hoành phi, thủ quyển, bao
lam, câu đối, khám thờ của chùa thể hiện trình độ tay nghề của nhệ nhân. Các
hiện vật được chạm khắc tinh vi khéo léo, sơn son thếp vàng rực rỡ. Bao lam
Thập Bát La Hán được chạm trổ nhiều lớp, các vị La Hán được chạm trổ với
nhiều tư thế khác nhau. Mặt khám thờ chạm chạm đề tài cây cỏ, hoa lá, muôn
thú rất sinh động. Các câu đối ngợi ca phật pháp, giáo hóa con người hướng
thiện. Trong đó, người xưa sử dụng lối chơi chữ hóan thủ, hóan trung ghép
thành tên chùa, tên vùng đất.
Ngoài ra, chùa Tiên Châu còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Trong
đó, đáng kể nhất là các pho tượng bằng gỗ, bằng đất nung có niên đại từ thế
kỷ XIX. Đặc biệt nhất là hai tượng Phật Di Đà, Di Lặc bằng đất nung hết
sức uy nghi, cổ kính và có giá trị nghệ thuật cao .
Hàng năm, khách trong và ngoài nước đến
chiêm bái rất đông. Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức thuyết pháp cho phật tử
hướng họ đến “chân - thiện - mỹ” để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Và nhà chùa
cùng các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ vật chất cho người nghèo trong và ngoài
xã An Bình.
Ngoài
ra, chùa còn là nơi bảo vệ và giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng địa phương hoạt
động qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ./.
Thực hiện: Thanh Huyền
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét